"Bẫy lừa" của dịch vụ cấp bằng lái xe "siêu tốc"

Với mong muốn không học cũng có bằng một số người dân đã tìm đến các dịch vụ cung cấp Giấy phép lái xe "siêu tốc" thay vì đến các cơ sở đào tạo chính quy. Tâm lý dễ dãi này đã tạo điều kiện cho các đối tượng làm giả giấy phép lái xe thu lời bất chính mà còn tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí có thể là phạt tù đối với những người sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) giả.

 

 Trong vòng 1 tháng đã phát hiện hơn 20 giấy phép lái xe giả

Đội CSGT số 1 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội cho biết trong suốt khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11-2014, đơn vị đã phát hiện trên 20 trường hợp xử dụng GPLX giả. Mới nhất vào ngày 7-11-2014, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, các cán bộ chiến sĩ của Đội CSGT số 1 phát hiện xe mô tô mang biển kiểm soát 29V5-174.61 do Kiều Văn Tuyến (SN 1994 trú tại Hoàng Xá, Lai Thượng, Thạch Thất, Hà Nội) điều khiển vi phạm Luật Giao thông đã kiểm tra lập biên bản tạm giữ GPLX.

Trong quá trình soát xét hồ sơ đã phát hiện GPLX của Kiều Văn Tuyến sử dụng không phải là GPLX do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi Đội CSGT số 1 mời Kiều Văn Tuyến đến trụ sở để xử lý vi phạm, Tuyến đã thừa nhận mình không trực tiếp thi sát hạch cấp GPLX mà bỏ tiền ra để… nhờ người khác làm hộ cho nhanh nhưng không hề biết đây là GPLX giả. Đáng chú ý trong 20 trường hợp sử dụng GPLX giả mà Đội CSGT số 1 phát hiện có tới 3 trường hợp sử dụng GPLX giả hạng A3 (dùng cho mô tô 3 bánh). Không chỉ sử dụng GPLX giả, qua xác minh còn phát hiện những người này sử dụng cả Giấy đăng ký xe giả.

Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Đội CSGT số 1 cho biết, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đơn vị đã lập biên bản và giữ GPLX đối với những trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Những trường hợp này sau đó được bộ phận xử lý rà soát hồ sơ để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bằng kinh nghiệm và biện pháp nghiệp vụ của mình Trung tá Nguyễn Văn Quỹ đã phát hiện ra những trường hợp nghi vấn GPLX không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trên cơ sở căn cứ những nghi vấn này Trung tá Quỹ đã báo cáo lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông để làm công văn gửi cơ quan giám định giám định GPLX để có căn cứ ra quyết định xử phạt. Kết quả cho thấy, 100% trường hợp gửi giám định đều là GPLX giả đúng như nhận định của cán bộ đội CSGT số 1.

Khi được trung tá Nguyễn Văn Quỹ cho tiếp cận những GPLX giả, theo quan sát của chúng tôi, nhìn bằng mắt thường cơ bản GPLX giả và thật rất giống nhau. GPLX giả cũng có cấu tạo bằng nhựa PET có hoa văn màu vàng rơm, kích thước 85x53mm, có đầy đủ nội dung như họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạn sử dụng, hạng lái xe… bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các GPLX giả cũng được in hình người lái theo công nghệ số hóa cùng với các hoa văn giống hệt như GPLX thật.

Nhiều thủ đoạn làm giả GPLX

Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai cấp, đổi GPLX từ loại giấy bọc nilong sang GPLX loại thẻ nhựa để hạn chế việc làm giả. Tuy nhiên, GPLX mới vừa áp dụng thì không lâu sau đó đã xuất hiện GPLX giả lưu hành. Các loại GPLX kiểu mới này đã bị các đối tượng dùng công nghệ tinh vi để sao chép, làm giả rồi đưa ra thị trường tiêu thụ trái phép.
Trên thực tế có 2 hành vi sử dụng GPLX giả:

- Trường hợp thứ nhất: một số người có GPLX thật nhưng vẫn cố tình làm giả một GPLX khác để “sơ cua” nhằm đối phó với việc bị lực lượng CSGT kiểm tra khi vi phạm luật. Nếu người xử lý không phát hiện được giấy phép giả mà vẫn lập biên bản vi phạm, họ sẽ bỏ luôn GPLX giả để... đỡ phải nộp phạt.

- Trường hợp thứ hai: một số người có nhu cầu sử dụng GPLX song lại có tâm lý “ngại” thi cử hoặc sợ trượt nên muốn tìm cách mua bằng để cho nhanh và tiện mà không cần phải qua thi cử. Tuy nhiên do sự thiếu hiểu biết nên những người này đã bị lừa mua phải GPLX giả được làm giống như thật.

Có rất nhiều hình thức để các đối tượng làm giả GPLX có thể tiếp cận được với những người có nhu cầu. Nhiều “đầu nậu” đã lập cả đường dây quảng cáo công khai trên mạng, dán tờ rơi tại các bến xe, nhà ga, bệnh viện thậm chí cả ở các nhà vệ sinh công cộng để thông báo làm GPLX với những lời giới thiệu tiện lợi, nhanh chóng, giá cả thấp. Lại có không ít những “đầu nậu” phục sẵn ở quán nước quanh những trung tâm sát hạch lái xe để tìm cách bắt mối với những người có nhu cầu. Với tài “chém gió” của mình, những “đầu nậu” này khoe về mối quan hệ với những trung tâm sát hạch và cấp GPLX để có thể lo GPLX “xịn” mà không cần phải qua thi cử. Người có nhu cầu chỉ cần đưa trước một số tiền để đặt cọc, khi nào lấy GPLX sẽ giao hết số tiền còn lại.

Ngoài ra, còn có nhưng đối tượng đã sử dụng dịch vụ bao trọn gói nhằm che mắt cho hoạt động làm giả GPLX. Chúng thu gom ảnh, chứng minh nhân dân của những người có nhu cầu. Sau đó từ giấy CMND và ảnh của những người này, các đối tượng sẽ làm giả hồ sơ, chữ ký, con dấu và các GPLX bằng công nghệ PEC của các trung tâm sát hạch cấp GPLX.

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát Giao thông, một đặc điểm chung của những người mua GPLX giả đều không có hồ sơ kèm theo hoặc nếu có thì cũng hết sức sơ sài với những thông tin mập mờ. Tìm hiểu về dịch vụ làm GPLX trên mạng Internet, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm và gõ từ khóa làm GPLX trọn gói hay siêu tốc sẽ tìm được rất nhiều lời mời chào. Từ những gói thi VIP1, VIP2 với giá thành giao động từ 240.000 đến 600.000 đồng cho đến những lời quảng cáo không cần có mặt cũng có thể nhận bằng.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn tìm thấy một trang mạng xã hội với những dòng quảng cáo làm GPLX giả trắng trợn. Theo đó, giá trọn gọi đối với bằng lái xe mô tô hạng A1 được rao là 500.000 đồng/chiếc với chất lượng được khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm cho bạn một tấm bằng như ý, chất lượng, chính xác 100%. Tất cả là bằng giả 100% nhưng chất liệu phôi, dấu mộc, mộc nổi giống y như bằng thật, tuyệt đẹp, tuyệt đối bảo mật cho khách hàng”. Có một thực tế là số người dân sử dụng GPLX giả đều thông qua các mối quan hệ xã hội, giao dịch ở tại địa điểm hàng nước, quán cà phê, quán bia. Người dân sau đó không xác định được đối tượng bán cho mình là ai, ở đâu mà phần lớn chỉ liên hệ qua điện thoại. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc đấu tranh với những hành vi của các đối tượng phạm tội.

Không tiếp tay cho tội phạm

Theo Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, sau khi rà soát phát hiện những trường hợp sử dụng GPLX giả, những người sử dụng GPLX khi được mời lên làm việc lúc đầu đều tỏ thái độ trốn tránh và khẳng định GPLX của mình được cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, sau khi được phân tích trên cơ sở khoa học và những lập luận chặt chẽ của CSGT những người này đã thừa nhận họ không trực tiếp học và đi thi GPLX mà chỉ giao hồ sơ, ảnh cho những người làm dịch vụ. Sau một thời gian, họ chuyển tiền cho những người làm dịch vụ và nhận lại GPLX như đã giao dịch mà không hề hay biết đây là GPLX giả.

Trung tá Nguyễn Văn Quỹ cho biết: “Muốn có GPLX phải đến cơ sở đào tạo đăng ký học và thi đủ tiêu chuẩn sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp GPLX. Đó là điều kiện để người dân được điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường. Thế nhưng, hiện nay do một số người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, thêm nữa là do quá trình thi lo sợ không đạt yêu cầu vì vậy đã bỏ ra số tiền để mua rủi ro về mình. Bởi sử dụng GPLX giả sẽ đi theo nhiều hệ lụy”.

Những hệ lụy mà Trung tá Nguyễn Văn Quỹ nhắc đến trong việc sử dụng GPLX giả chính là hậu quả, rủi ro xảy ra đối với người sử dụng GPLX giả. Ngoài việc bị xử lý vi phạm với mức phạt như khi không có GPLX (từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, tịch thu GPLX giả) thì người sử dụng GPLX giả nếu còn gặp phải bất lợi và không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra tai nạn.

Bởi khi cơ quan điều tra vào cuộc đối với những người sử dụng GPLX được xác định là giả tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự giống như những người không có GPLX.
Xung quanh vấn đề phát hiện GPLX giả, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 1 cho biết, các loại GPLX do các đối tượng làm giả, dù tinh vi đến đâu cũng không thể giống với GPLX thật do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bằng kinh nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ cũng như thông qua việc giám định khoa học, lực lượng CSGT sẽ có thể dễ dàng phát hiện những GPLX giả.

Ngoài ra ở các bộ phận tuần tra kiểm soát cũng như bộ phận rà soát kiểm sát vi phạm đều đã được quán triệt tập trung rà soát kỹ để phát hiện những sai phạm liên quan đến việc sử dụng GPLX giả. Do vậy người dùng GPLX trong trường hợp vi phạm Luật Giao thông sẽ khó lòng qua mắt được lực lượng CSGT. Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhấn mạnh, đối với nhiều người dân việc mua những GPLX giả có thể là dễ dàng, tuy nhiên việc sử dụng GPLX giả cũng đồng nghĩa với việc họ không được trang bị đầy đủ kiến thức để đi an toàn, đúng luật. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Do vậy, để tránh việc không bị kẻ gian lừa đảo, đồng thời cũng là để nâng cao nhận thức pháp luật của mình trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người dân cần đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp thay vì tìm đến dịch vụ làm GPLX theo kiểu “siêu tốc”, “trọn gói”.

 

Visa247 có cung cấp các dịch vụ như: giay phep lao dong | đổi bằng lái xe đăng ký visa 

Tham khảo