Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại Việt Nam

    Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam là điều mà tất cả công dân trên Toàn cầu có nhu cầu sinh sống, làm việc, hoặc du lịch tại Việt Nam cần phải nắm được.

    Để thực hiện đúng luật xuất nhập cảnh tại Việt Nam, quý vị cần đọc kỹ những kiến thức cơ bản mà Visa247 cung cấp dưới đây.

LUẬT SỐ 47/2014/QH13

LUẬT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

* Số hiệu văn bản: Số 47/2014/QH13

* Cơ quan ban hành: Quốc hội.

* Ngày ban hành:  16/06/2016.

* Ngày có hiệu lực: 01/01/2015.

* Văn bản bị thay thế:

- Pháp lệnh số 24/1999/PL-UBTVQH về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

   Một trong những nội dung mới, đáng chú ý tại Luật số 47/2014/QH13 là quy định thị thực không được phép chuyển đổi mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam trái mục đích.

   Đồng thời, Luật cũng yêu cầu người nước ngoài đề nghị cấp thị thực vào Việt Nam để thực hiện đầu tư phải có giấy tờ chứng minh đầu tư tại Việt Nam; người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề và đặc biệt, người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động; vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam. 

   Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam; theo đó người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực; các trường hợp chưa được phép nhập cảnh gồm:

   Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ đi cùng; giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm; bị buộc xuất cảnh Việt Nam chưa quá 06 tháng; vì lý do thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

   Cũng theo Luật này, người nước ngoài được phép thường trú tại Việt Nam là người có công lao, được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước; là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc.

   Chính phủ quản lý về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị; là người đã tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên tại Việt Nam, được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh; người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

   Để được xét thường trú tại Việt Nam, các đối tượng người nước ngoài này phải có chỗ ở hợp pháp, có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
    Khi đã được thường trú tại Việt Nam, định kỳ 10 năm/lần, người nước ngoài phải đến Công an cấp tỉnh nơi thường trú để cấp đổi thẻ thường trú (trước đây là 3 năm/lần).
Luật xuất nhập cảnh vào Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

LUẬT SỐ 51/2019/QH14

 LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

* Số hiệu văn bản: Số 51/2019/QH14

* Cơ quan ban hành: Quốc hội.

* Ngày ban hành:  25/11/2019.

* Ngày có hiệu lực: 01/07/2020.

* Văn bản bị sửa đổi, bổ sung:

- Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

* Nội dung chính:  

    Ngày 25/11/2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Từ 01/7/2020, cho phép người nước ngoài chuyển đổi mục đích thị thực

   Theo quy định tại Luật số 47/2014/QH13, thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời. Tuy nhiên theo quy định tại Luật số 51/2019/QH14, thị thực có thể được cấp qua giao dịch điện tử và gọi là thị thực điện tử (E-visa). Thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần.

    Đặc biệt, Luật sửa đổi đã bổ sung 04 trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích, đó là khi người nước ngoài có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;…

    Thị thực được cấp riêng cho từng người, tuy nhiên bổ sung 01 trường hợp ngoại lệ mới đó là việc cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức.

- Bổ sung các quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trên cơ sở các quy định hiện hành về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử từ ngày 01/02/2017 đến nay (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4). Đây là quy định mới tại Luật số 51/2019/QH14.

+ Luật quy định bổ sung khái niệm về Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh; Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

+ Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử (E-visa).

- Áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3).

+ Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài được lựa chọn gửi văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài và nhận kết quả trả lời qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh nếu đủ điều kiện quy định.

+ Bổ sung quy định cấp thị thực tập thể cho đoàn khách nước ngoài quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch và thành viên tàu quân sự nước ngoài vào Việt Nam theo chương trình hoạt động chính thức ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển đổi thị thực cho các trường hợp người nước ngoài có:

+ Giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người bảo lãnh;

+ Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử và đã có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Sửa đổi quy định về điều kiện nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực theo hướng không quy định lần nhập cảnh sau phải cách lần xuất cảnh trước ít nhất 30 ngày: Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4): Thời hạn theo tiêu chí vốn góp đầu tư của Nhà đầu tư, người đại diện cho doanh nghiệp đầu tư; cho lao động nước ngoài (LĐ1, LĐ2); cho luật sư nước ngoài (LS, ký hiệu hiện nay là ĐT).

 - Thị thực, Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

   Trên đây là những nội dung cơ bản nhất mà Visa247 đã tóm lược từ Luật xuất nhập cảnh đang có hiệu lực tại Việt Nam. Hy vọng hữu ích cho quý Khách hàng.

Văn bản liên quan: 

- Luật số 51/2019/QH14 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 14 thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.

- Luật số 47/2014/QH13 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 13 thông qua ngày 16/06/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

- Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 Quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Tham khảo