Quản DNNN: Những khoảng trống còn bỏ ngỏ

Sau Vinashin, Vinalines, lại có thêm Agribank làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Khoảng trống pháp lý về DNNN vẫn bỏ ngỏ nhiều năm nay. Chia sẻ vấn đề này TS Lê Đăng Doanh chỉ ra rằng, chính những khoảng trống pháp lý tồn tại quá lâu đã dẫn tới câu chuyện thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở khu vực DNNN hiện nay.

Tù mù từ đầu tư vốn đến bổ nhiệm nhân sự

Thưa ông, với việc xây dựng thêm một luật mới chuyên về Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, liệu tình trạng thất thoát trong quản lý tài sản của Nhà nước sẽ cải thiện thế nào?

- Hiện nay, theo đề cương Bộ Tài chính công bố, tôi thấy phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này chưa rõ ràng. Với tên gọi đó thì nghĩa là, chỉ quản lý phần đầu tư và vốn hay là quản lý tài chính của DN đó?

Là DN, có đồng vốn Nhà nước đầu tư, tôi đi kinh doanh, có lãi nhưng sau đó, tôi lập công ty con, công ty cháu thì cái đó của Nhà nước hay của tôi? Hay là, bao nhiêu hợp đồng béo bở thì tống cho công ty con, công ty cháu, còn công ty mẹ có vốn Nhà nước trực tiếp thì không được gì cả, rồi kết quả kinh doanh vẫn kém. Vấn đề công ty con, công ty cháu dùng tiền của Nhà nước thì sau đó quản lý như thế nào?

Điểm nữa là tài sản của Nhà nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng, như sân bay, bến cảng, đường cao tốc sẽ được quản như thế nào? Ở Hà Nội, chúng ta có Công ty TNHH Một thành viên quản lý công viên Thống Nhất nhưng trong công viên có một nhà hàng rất to là Gió Mới, rồi có bãi gửi xe... Vậy thì, tiền thu về từ những dịch vụ đó thì đi đâu, ai quản? Quốc hội, HĐND có ý kiến gì không?

Rõ ràng, những lổ hổng lớn trong quản lý tài sản, tiền bạc của Nhà nước ở đề cương luật này vẫn bỏ ngỏ.

Để khắc phục những lỗ hổng quản lý tài sản Nhà nước thì cần minh bạch, công khai, không chỉ là đồng vốn mà còn cả yếu tố con người. Theo ông, điều này cần phải thiết lập thành quy chuẩn thế nào?

Quản DNNN: Những khoảng trống còn bỏ ngỏ (1)
TS Lê Đăng Doanh

Quản trị DN hiện đại thì phải có công khai minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình. Anh dùng vốn Nhà nước thì định kỳ phải trình tôi đạt kết quả gì. Ở đây cũng chính là vấn đề con người, cán bộ thực hiện. Nhưng hiện nay, toàn bộ quy trình bổ nhiệm cán bộ ở DNNN thì trong dự thảo luật không có câu nào cả.

Như Trung Quốc, họ áp dụng theo quy trình của OECD. Trên cơ sở công bố báo cáo những nhiệm vụ lớn trong phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Nhà nước, ai muốn làm chủ tịch HĐQT, muốn làm TGĐ Tập đoàn đó thì phải trình một bản kiến nghị đề xuất tôi sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu này? Sauk hi hội đồng nghe các ứng cử viên báo cáo, giải trình, rồi bỏ phiếu, trình Bộ trưởng thì Bộ trưởng xem xét, bổ nhiệm.

Họ bổ nhiệm với hợp đồng có thời hạn từ 3-5 năm, chứ không phải là vô thời hạn và gắn với các trách nhiệm cụ thể theo từng năm. Nếu năm thứ nhất, không thực hiện được thì anh bị trừ lương, làm tốt thì thưởng. Nếu năm thứ 2 không làm được thì hủy hợp đồng. Việc đó công khai cho mọi người biết.
Ông đánh giá thế nào về bài học giám sát, kiểm soát đối với những DNNN được đặc quyền sau nhiều vụ việc đình đám gần đây, như vụ bắt nguyên TGĐ Agribank ?

Trong tình hình hiện nay, người ta nhấn mạnh bài học Vinashin, Vinalines nhưng vừa rồi lại thêm Agribank, cũng thất thoát mấy nghìn tỷ. Vậy thì, chúng ta đã rút kinh nghiệm gì từ Vinashin, Vinaline... Từ đó, chúng ta có thể hi vọng gì vào dự thảo Luật này?

Có thể nói, phải xem lại câu chuyện giám sát, kiểm soát. Vai trò của kế toán, kiểm toán, thanh tra đối với DNNN hiện thế nào? Như Vinashin,thanh tra 8 lần, lần nào vào cũng chỉ được thanh tra đến phần đó, không được quyền toàn diện thanh tra.

Hiện, vấn đề này quản lý vốn Nhà nước ở DN đang gây tranh cãi rất nhiều. Tôi đề nghị phải có thêm 1 chương về DNNN trong Luật DN sửa đổi.
Thưa ông, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Vậy, ông đánh giá thế nào về vai trò giám sát của Quốc hội đối với DNNN hiện nay?

Đến tháng 7/2010, khi Luật DNNN hết hiệu lực thì chúng ta lại không có luật nào để quản lý các DN này.

Đến nay, có 3.000 DNNN đã cổ phần hóa, đầu tư công có tới 40.000 dự án, hơn 10.000 DN tham gia mà vẫn chưa có Luật Đầu tư công, chưa có Luật về cổ phần hóa DNNN, chưa có Luật về giám sát quản lý tài chính ở DNNN... Vì thế, Quốc hội không vào được.

Đây là một lỗ hổng rất lớn ngay từ khung pháp lý đối với DNNN. Rõ ràng, Quốc hội đã không được thực hiện quyền giám sát hiến định của mình.

Theo Phạm Huyền

Vef

Tham khảo