Hướng dẫn thủ tục Hộ chiếu tại các tỉnh, thành phố khác
* Hộ chiếu là quyền công dân, mọi công dân Việt Nam đều có quyền làm hộ chiếu: Trừ những trường hợp pháp luật cấm – được quy định tại Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 cụ thể như sau:
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
+ Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
+ Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế, đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
+ Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
+ Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
+ Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
+ Có hành vi vi phạm về hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
* Khách có hộ khẩu tại các tỉnh phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh để làm hộ chiếu, khi đi cần mang theo các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân: Còn hạn, không ép dẻo, ép lụa, không nhàu rách nát, không mờ số, chữ.
- Hộ khẩu gốc
- 4 ảnh 4x6 nền trắng
- Tờ khai làm hộ chiếu: Mẫu X01
Khách có mặt trực tiếp nộp hồ sơ và làm thủ tục xin cấp hộ chiếu.
Lệ phí: 200.000 VNĐ.
Thời gian: 12 ngày làm việc.
* Trường hợp mất hộ chiếu: Hộ chiếu là quyền công dân nhưng cũng là tài sản của Quốc gia, được cấp cho người mang quốc tịch Việt Nam.
Vậy xử lý như nào đối với trường hợp mất hộ chiếu?
Đối với trường hợp mất trong nước: Nếu hộ chiếu bị mất ở trong nước thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện mất phải có đơn trình báo với cơ quan Quản lý xuất nhật cảnh. Trường hợp trực tiếp nộp đơn thì xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu, nếu gửi qua đường bưu điện thì đơn phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú.
Đối với trường hợp mất ở nước ngoài: Nếu hộ chiếu bị mất ở nước ngoài thì phải có đơn trình báo ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi gần nhất và cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
Nội dung đơn trình báo cần ghi rõ : họ và tên, ngày , tháng, năm sinh, địa chỉ thường trú hoặc tạm trú, số hộ chiếu, ngày cấp, cơ quan cấp, thời gian, địa điểm xảy ra và lý do mất hộ chiếu.
Lưu ý:
Hiện nay, có nhiều trường hợp không mất hộ chiếu nhưng do nhận thức kém đi báo là mất hộ chiếu để được cấp thêm 1 hộ chiếu khác, sử dụng vào các mục đích khác nhau. Khi báo mất hộ chiếu thì hộ chiếu bị báo mất sẽ được cơ quan xác minh và cấp 1 hộ chiếu mới. Như vậy hộ chiếu cũ sẽ không còn hiệu lực pháp lý nữa. Nhiều người dân do không hiếu biết hoặc vì 1 lý do nào khác nên đã có trong tay 2 hộ chiếu, họ nghĩ có thể sử dụng quyển hộ chiếu nào cũng được, chỉ đến khi làm thủ tục để xuất cảnh thì cơ quan an ninh sân bay phát hiện và thu lại hộ chiếu gửi về Cục Quản lý xuất nhập cảnh thì họ mới hay biết là mình đang vi phạm Pháp luật.