Dòng vốn chảy vào doanh nghiệp năm 2015 sẽ "thanh thoát" hơn

Các chuyên gia cho rằng, với tiền đề lạm phát đã và sẽ được kiềm chế tốt hơn thì chắc chắn năm 2015 phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì dòng vốn chảy vào doanh nghiệp sẽ "thanh thoát" hơn so với năm 2014.

 

 

 

 

Xu thế giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất

Nhận diện về "chân dung" nền kinh tế trong năm 2015, các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ được xem là "mạch máu" bởi đây là một trong hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng nhất trong mọi nền kinh tế thị trường.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia Tài chính cho rằng, trong bối cảnh rất khó khăn nới lỏng chính sách tài khóa nên muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao hơn so với năm 2014 với tiền đề lạm phát đã và sẽ được kiềm chế tốt hơn thì chắc chắn phải nới lỏng chính sách tiền tệ.

Một mặt, cung tiền cho nền kinh tế sẽ được đảm bảo với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trên dưới 12%, đồng thời duy trì tính thanh khoản cho hệ thống các TCTD trong quá trình tiếp tục cơ cấu lại.

Mặt khác, tổng tín dụng cho nền kinh tế sẽ được đẩy ra mạnh mẽ hơn thông qua tháo gỡ bớt các rào cản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đi đôi với tích cực xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cũng như cho vay, cả bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ sẽ được điều chỉnh theo diễn biến lạm phát.

Như vậy, lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh theo xu thế nào trong năm 2015? Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, xu thế chủ đạo là kéo giảm xuống đến mức thấp nhất có thể và thu hẹp bớt khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ cùng với tiếp tục nỗ lực duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân chắc chắn được hưởng lợi khi nới lỏng chính sách tiền tệ vì so với chính sách tài khóa thì chính sách tiền tệ định hướng tới khu vực kinh tế ngoài nhà nước hơn hẳn.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: "Doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn với lãi suất cho vay thấp hơn, đồng thời áp lực cạnh tranh giành vốn tín dụng với khu vực kinh tế nhà nước nhất định sẽ giảm tuy mức độ có thể không nhiều".

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, năm 2015 dòng chảy tài chính sẽ có hai kịch bản chủ yếu căn cứ vào yếu tố lạm phát trong năm trên hay dưới 5%.

Trong kịch bản 1, với giả định lạm phát dưới 5%, nghĩa là tương tự như năm 2014 thì còn dư địa để giảm lãi suất, theo đó dòng chảy tài chính cơ bản sẽ không khác nhiều so với năm 2014.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm xuống với khả năng trần lãi suất thậm chí giảm thêm 150 điểm từ mức 5,5%/năm hiện nay. Song huy động vẫn ổn định do cơ hội kinh doanh hay cơ hội sử dụng đồng vốn có hiệu quả cao hơn mặc dù có tăng nhưng không nhiều.

Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng sẵn sàng dành cho doanh nghiệp vẫn sẽ dồi dào và có thể rẻ hơn.

Còn ở kịch bản 2, nếu lạm phát trên 5% thì lãi suất không những không giảm như mong muốn mà còn có khả năng tăng lên. Khi đó, dòng tiền lại quay về xu hướng phòng thủ giống như những năm 2008 và 2011.

Cụ thể, luồng tiền lớn sẽ đổ vào hệ thống tài chính nếu lãi suất huy động đủ hấp dẫn, còn nếu lãi suất huy động không hấp dẫn chắc chắn sẽ đổ vào thị trường vàng và ngoại tệ hay bất động sản.

Bức tranh tổng thể tươi sáng hơn

Nhìn nhận về toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, xét ở tầm vĩ mô, kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, mức ổn định này vẫn chưa vững chắc bởi còn tùy thuộc vào hai chỉ số lạm phát và nợ công.

Có thể thấy, trong bức tranh kinh tế chung, chỉ số PMI suốt từ 9/2013 đều vượt mốc 50. Đây là mức tích cực. Chỉ số khởi sắc thứ hai là xuất khẩu, 2014: 13,6%, khá cao, tiếp nối hai năm khởi sắc. Năm 2014, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tăng đến 10%, cao hơn mức 3, 4% của vài năm trước. Trong đó, rõ nhất là các mặt hàng nông nghiệp đã gia tăng tỷ trọng, đặc biệt là hàng thủy sản.

"Tuy nhiên, bài toán tổng thể vẫn khá khó khăn. Thứ nhất, tổng cầu vẫn tăng (giá cả, tổng đầu tư, thị trường xuất khẩu vẫn leo dốc), nhưng so với vài năm về trước thì vẫn ở mức thấp. Thứ hai là nợ xấu, nếu muốn tín dụng thanh thoát, phải xử lý gốc rễ nợ xấu và giải quyết vấn đề nội bộ của các ngân hàng", Tiến sĩ Võ Trí Thành bình luận.

Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam đến nay đã thực sự phục hồi hay chưa, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, nếu lấy thước đo là mức độ tăng trưởng, thì kinh tế Việt Nam đã phục hồi phần nào.

Tiến sĩ Võ Trí Thành tin tưởng: "Kinh tế Việt Nam có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn như cải thiện môi trường kinh doanh, tái cấu trúc DNNN, Việt Nam tham gia các thỏa thuận kinh tế thế giới...".

Nhìn nhận về điều kiện để tăng trưởng kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang "vật vã" đi lên, chỉ khi thực sự quyết tâm tái cơ cấu và cải cách mạnh mẽ thì tăng trưởng GDP mới đạt 6,2% như kế hoạch, và lạm phát ở mức 5% nếu giá dầu tiếp tục thấp.

Bên cạnh đó, khi luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Nhà ở sửa đổi và nhiều Nghị quyết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đi vào thực thi, kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững. Đồng thời, sự thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa DNNN sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Tuy vậy, bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, cần lưu ý kinh tế nước ta còn đối mặt với nhiều biến động khó lường. Do đó, phẩm chất cần thiết của các doanh nghiệp Việt là tăng khả năng đề kháng và năng lực tự đổi mới, tự phát hiện yếu kém, qua đó đổi mới hiệu quả, toàn diện mới có thể cạnh tranh trong môi trường thay đổi".

 

Xem thêm >>> Việc đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư được cam kết

 

 

visa han quoc | visa di my visa trung quoc | làm visa đi đức | lam visa di y | visa dubai

Tham khảo