Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế - không gắn với tăng trưởng xanh sẽ phải trả giá
Trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã nhấn mạnh "Không gắn với tăng trưởng xanh sẽ phải trả giá" để khẳng định vai trò quan trọng của tăng trưởng xanh trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.
Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã liên tiếp xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và những cảnh báo về giới hạn khai thác tài nguyên và hệ sinh thái. Thực tế này đòi hỏi nhiều quốc gia phải chuyển dịch mô hình tăng trưởng hiện có. Theo đó, hướng tiếp cận “nền kinh tế xanh” đang được quan tâm và phát triển.
Khái niệm nền "kinh tế xanh”
Nền "kinh tế xanh” theo chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) là: “Nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Trong nền “kinh tế xanh”, tăng trưởng về thu nhập và việc làm được tạo ra thông qua những khoản đầu tư của nhà nước và tư nhân nhằm giảm thiểu phát thải các-bon, giảm ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Đường lối phát triển phải hướng vào duy trì, cải thiện nguồn vốn tự nhiên và phục hồi nếu cần thiết, bởi đây là tài sản kinh tế quan trọng và là nguồn lợi chung, đặc biệt đối với những người nghèo bởi sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
Khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững. Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích.
Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua theo mô hình nền “kinh tế nâu”, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Hướng chuyển dịch sang mô hình nền “kinh tế xanh” là phương án lựa chọn tối ưu cho sự phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.
Tăng trưởng xanh là một tất yếu
Sáng 24/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, cho rằng: Tăng trưởng xanh không còn là một xu hướng mà trở thành một lựa chọn sống còn không chỉ của riêng mỗi quốc gia mà của cả thế giới. Mô hình tăng trưởng này hướng đến sự phát triển bền vững đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh cũng đang là một tất yếu.
Việc quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh là yêu cầu tự thân của nền kinh tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong đó, việc kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu với sự gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, là điểm nhấn.
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh: "chúng ta nhận thức tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì giá phải trả trong tương lai là rất lớn, đây là mối quan hệ có tính đánh đổi. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng nhanh, thì chúng ta được cái trước mắt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài không đạt được. Trong bối cảnh tái cơ cấu không tính đến tăng trưởng xanh thì tái cơ cấu chỉ là tạm thời, rồi 5-10 năm nữa lại phải xem lại tái cơ cấu kinh tế".
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, cũng đồng ý với quan điểm cần phải thực hiện tăng trưởng xanh trong bối cảnh hiện nay. Ông Thiên nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là sự lựa chọn bắt buộc không có gì phải phân vân nếu chúng ta quan tâm đến sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tăng trưởng xanh liên quan đến vận mệnh phát triển của đất nước.
Cùng đồng tình về sự cần thiết của tăng trưởng xanh, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đánh giá: "Tăng trưởng xanh sẽ là giải pháp xử lý tận gốc vấn đề để tăng trưởng và phát triển bền vững chứ không phải ngọn". Theo bà Tuệ Anh, tăng trưởng xanh chính là xử lý vấn đề môi trường vào quá trình tăng trưởng bằng công cụ thay đổi thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng làm sao để đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm năng lượng sử dụng,…
Cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh gồm 12 nhóm hành động theo 4 nhóm chủ đề: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh ở địa phương, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hoá sản xuất, xanh hoá lối sống, tiêu dùng bền vững. Hiện nay, hơn 10 tỉnh đã bắt tay xây dựng kế hoạch hành động riêng.
Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng xanh ở Việt Nam khác với các quốc gia khác trên thế giới. Trong quá trình học tập kinh nghiệm của các nước để xây dựng mô hình cho Việt Nam, thì thấy không có mô hình nào phù hợp. Việt Nam cần có một mô hình riêng, đó là quá trình thúc đẩy tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, thông qua đầu tư và đổi mới công nghệ, từ đó góp phần cho việc ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Đó là điểm khác biệt về tăng trưởng xanh của Việt Nam so với các nước trên thế giới.
Thách thức thực hiện không nhỏ
Sự cần thiết của tăng trưởng xanh là rõ ràng, song để thực hiện không dễ. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, đây là một lựa chọn đầy thách thức, bởi làm sao để có được tăng trưởng xanh lại là điều khó xác định. Cũng giống như vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế, khi bàn thì thấy có những cái chúng ta biết rõ nhưng không thể làm, vì nếu làm thì trả giá quá đắt.
Theo ông Thiên, sở dĩ nước ta phải thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế vì quá trình phân bổ nguồn lực lâu nay không hợp lý, cần phải phân bổ lại cho hợp lý. Trước đây, chúng ta đã định hướng nền kinh tế phát triển theo hướng khai thác vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác sức lao động giá rẻ, chạy theo làm thuê, lắp ráp… mà chưa hướng vào phát triển những ngành có đẳng cấp công nghệ cao hơn cho đất nước.
Ông Thiên chỉ ra 3 nguyên nhân gây ra những hạn chế của nền kinh tế hiện nay:
- Mô hình tăng trưởng không còn phù hợp thời đại. Nước ta đã duy trì lâu dài mô hình tăng trưởng dễ dãi, cứ bơm tiền ra, có nguồn lực sẵn thì dùng;
- Hệ thống thị trường chưa được tập trung ưu tiên khuyến khích phát triển. Cả 2 yếu tố quan trọng của thị trường là cạnh tranh và giá cả đều chưa đạt;
- Quản trị nhà nước, dù đã có nỗ lực nhiều, nhưng vẫn cần thay đổi cách thức. Nếu còn duy trì cơ chế phân bổ nguồn lực dàn trải, xin - cho, chia đều…sẽ gây lãng phí. Điều này còn nảy sinh sự thiên vị, các thành phần kinh tế bị đối xử chưa công bằng, tức là việc phân bổ nguồn lực méo mó, hướng tới nhóm lợi ích.
Do đó, trước khi mong đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, cần phải khắc phục 3 nhược điểm nêu trên. Ông Trần Đình Thiên gợi ý, về công nghiệp, phải hướng đến sản xuất theo chuỗi, gắn với công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Đội ngũ doanh nghiệp Việt cần phải tư duy và hành động thiết thực để “được chọn”, chứ không phải “đi chọn” trong chuỗi giá trị, tức là doanh nghiệp phải nỗ lực chủ động khẳng định mình, hướng tới việc trở thành đối tác các tập đoàn lớn trên thế giới. Tương tự, đối với nông nghiệp và dịch vụ, phải hướng đến mục tiêu tạo ra sản phẩm gắn với công nghệ cao, mang đến giá trị gia tăng cao thay vì chỉ chú trọng vào số lượng cao nhưng năng suất thấp.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, khó khăn thách thức đầu tiên khi thực hiện tăng trưởng xanh là về nhận thức, đâu đó vẫn còn tư duy phải tăng trưởng cao để giải quyết vấn đề trước mắt mà không quan tâm đến bảo vệ vệ môi trường. Tiếp theo là trình độ công nghệ ở mức trung bình, thấp, nguồn lực tài chính hạn hẹp, đó là hạn chế, thách thức của Việt Nam trong tăng trưởng xanh. Cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn, nên việc thay đổi, cải tiến công nghệ gặp khó khăn.
Việt Nam đang hội nhập sâu, nhưng chất lượng hội nhập chưa được như mong muốn, khu vực FDI đóng góp cao vào tăng trưởng, vào xuất khẩu nhưng chủ yếu gia công lắp ráp, chưa tận dụng được FDI vào tăng trưởng xanh.
Và đặc biệt là tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn còn chậm, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chính bản thân khu vực nhà nước vẫn chưa tốt nên ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh.
Nguồn lực thực hiện cũng là thách thức không nhỏ. Ông Phạm Hoàng Mai cho biết, theo tính toán thì cần 30 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để thực hiện các biện pháp, kịch bản giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thực hiện tăng trưởng xanh. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ đóng góp 30%, còn lại 70% là của khu vực tư nhân. Nhưng làm thế nào để huy động được 70% nguồn vốn này từ khu vực tư nhân cũng không dễ.
Theo ông Mai, để huy động khu vực tư nhân cần có cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào tăng trưởng xanh. Cần truyền thông điệp tới doanh nghiệp rằng, hướng phát triển xanh không chỉ là hướng phát triển thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội mà đồng thời còn để phát triển bền vững, đảm bảo có lợi nhuận cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án tăng trưởng xanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành cơ chế hướng dẫn lồng ghép để ưu tiên các dự án tăng trưởng xanh, huy động nguồn lực từ bên ngoài như: ODA và các quỹ khác trên thế giới (Quỹ toàn cầu, Quỹ ứng phó với biến đổi khí hậu...) để phát triển tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông kết luận, chúng ta đều nhận thấy rằng mọi việc bắt đầu từ nhận thức, từ nhận thức đến cuộc sống, từ cuộc sống đến thực thi là một quá trình. Vấn đề thực thi thì không riêng gì với Việt Nam mà mọi quốc gia đều có khó khăn. Hàng loạt quốc gia phát triển khi bàn đến biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch hơn cũng cần phải có lộ trình tới 10-15 năm sau. Vì vậy, chúng ta cần hiểu mình là ai, ở đâu để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sự cần thiết của tăng trưởng xanh là không thể phủ nhận, nhưng để đạt được cần có lộ trình và chương trình hành động để có thứ tự ưu tiên, cái nào trước cái nào sau.
Không có công thức chuẩn về tăng trưởng xanh áp dụng cho tất cả các quốc gia, mà mỗi quốc gia có hoàn cảnh, bối cảnh riêng cần có những chính sách riêng để thực hiện. Thời gian tới đây cũng cần có sự tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển thực sự theo hướng xanh hóa sản xuất, đấy là việc cần thiết. Cuối cùng, cần sự phối hợp giữa các cơ quan và doanh nghiệp để đưa tăng trưởng xanh vào thực tiễn.
Chúng tôi có cung cấp các dịch vụ như: giay phep lao dong | visa viet nam | công văn nhập cảnh | duyệt quốc tịch | đăng ký visa