Tình hình vay nợ của Việt Nam
Tại diễn đàn Quốc hội, lần đầu tiên nhiều số liệu chi tiết về nợ công được người đứng đầu ngành tài chính công bố.
Trong các kỳ họp Quốc hội vấn đề nợ công đã được thảo luận nhiều lần, khi báo cáo tình hình 2014 của Chính phủ đưa ra nhận định nợ công đang tăng nhanh đã khiến dư luận một lần nữa quan tâm. Hàng loạt câu hỏi, ý kiến xung quanh vấn đề quản lý nợ được các đại biểu đặt ra tại các phiên họp tổ, các buổi góp ý chuyên đề cũng như trong suốt phần thảo luận kinh tế - xã hội ngày 30/10.
Đáp ứng yêu cầu này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được đề xuất là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia ý kiến về vấn đề này. Báo cáo của ông trước Quốc hội, đúng như kỳ vọng, đã lần đầu tiên cho thấy một bức tranh khá toàn diện về tình hình tài chính quốc gia.
Lần dở lại lịch sử, vị trưởng ngành cho biết khái niệm nợ công chỉ thực sự có ý nghĩa đối với hệ thống quản lý tài chính Việt Nam từ năm 2010, khi Luật Quản lý nợ công chính thức có hiệu lực. Trước đó, các chỉ tiêu quản lý khác là nợ Chính phủ hay nợ quốc gia đều ở mức khá thấp (31-38% GDP) và chỉ thực sự tăng mạnh từ năm 2009, khi Việt Nam tích cực đi vay để kích cầu.
Những năm sau đó, kinh tế khó khăn, nguồn thu bị cắt giảm để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi các khoản chi cho an sinh, các chương trình mục tiêu quốc gia… không thể cắt giảm khiến cho cơ quan quản lý phải thắt chặt túi tiền dành cho đầu tư. Tỷ trọng chi cho lĩnh vực này giảm từ 21,6% năm 2010 xuống mức 16-17% tổng chi hiện nay. Để bù đắp, Chính phủ phải phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm 2014-2016, bên cạnh con số 225.000 tỷ đã được Quốc hội phê duyệt trước đó cho giai đoạn 2011-2015.
Chính điều này đã đẩy nợ công tăng cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối, từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm).
Điểm tích cực của việc vay nợ những năm qua được Bộ trưởng thông báo là tăng tỷ lệ vay trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng cảnh báo về các khoản vay trong nước đều có kỳ hạn ngắn. Điều này đồng nghĩa với áp lực trả nợ giai đoạn 2015-2016 là rất cao.
Việt Nam đang vay nợ như thế nào ?
Dù cho biết đến nay, Việt Nam luôn đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời các khoản đến hạn, không phát sinh nợ xấu, song Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận cơ cấu nợ hiện không bền vững. Cơ quan điều hành phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng.
Cụ thể, số phát hành năm 2012 là 20.000 tỷ, 2013 là 40.000 tỷ và theo dự toán năm 2014 là 77.000 tỷ. "Nếu thu ngân sách vượt lên theo báo cáo Quốc hội, có thể bố trí vào thì con số của năm 2014 có thể giảm đi. Còn dự toán năm 2015 là 130.000 tỷ", Bộ trưởng cho biết.
Từ thực tế này, đại diện ngành tài chính cũng đưa ra kế hoạch khá chi tiết cho chiến lược vay nợ của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2020. Cụ thể, với mức bội chi dự kiến 4-5% một năm, kế hoạch phát hành 145.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 2 năm tới, Chính phủ dự kiến sẽ phải bán thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu mỗi năm cho giai đoạn 2017-2020.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục phải vay nước ngoài (chủ yếu là ODA, vay ưu đãi…) 5-6 tỷ USD một năm, trong đó số đi vay để cho doanh nghiệp vay lại 1,5-2 tỷ USD. Các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp đặc thù (dầu khí, điện, hàng không…) vay để làm các dự án trọng điểm cũng khoảng 3-4 tỷ USD mỗi năm, bảo lãnh cho các định chế tài chính đặc thù phát hành trái phiếu 60.000-70.000 tỷ một năm… sẽ cùng với khoản nợ của chính quyền địa phương (cao thêm 30.000-45.000 tỷ mỗi năm) tác động tới nợ công.
Tuy vậy, với giả định GDP tăng trưởng 6,2-6,8% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020, lạm phát khoảng 5-6%, bội chi giữ ở mức 4-5%, Chính phủ dự kiến nợ công sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2017 (64,9% GDP) và giảm dần sau đó. Đến 2020, cơ quan điều hành kỳ vọng nợ công sẽ về mức 60,2% GDP.
Với những tính toán nêu trên, kết thúc phần phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa kêu gọi sự chia sẻ của đại biểu Quốc hội và cử chi cả nước: “Đúng là nợ công vẫn trong giới hạn cho phép nhưng chúng ta đang gặp khó khăn. Việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế xã hội, gắn với quản lý sử dụng vốn có hiệu quả sẽ góp phần giảm nợ công, nợ xấu”, Bộ trưởng nhận định.
Cung cấp các dịch vụ: giay phep lao dong | visa viet nam | công văn nhập cảnh | duyệt quốc tịch